Trịnh Công Sơn – huyền thoại một người tình
Vì sao đám cưới bị hủy chỉ hai người biết rõ. Nhưng có chi tiết: Trịnh Công Sơn không muốn quỳ gối trước hai ông bà đại sứ Nhật Bản (thay mặt cho bố mẹ cô dâu không sang Việt Nam được). Lý do nhạc sĩ đưa ra là ngay cả mẹ đẻ ông còn chưa quỳ lạy thì không có lý do gì để làm việc này. Sự “cứng đầu” này của ông cho thấy một tinh thần Việt Nam, và rộng hơn là tinh thần tự do. Ông đã chọn làm người Việt Nam, chỉ sống ở Việt Nam và đi đến cùng với lựa chọn đó.
Trong bài viết Phác thảo chân dung tôi, Trịnh Công Sơn nói về ca khúc- “mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn” mà ông đã chọn để giãi bày bản thân: “Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn…”
Có người sẽ bảo, văn hóa dân tộc và lịch sử Việt Nam đã hun đúc lên thiên tài Trịnh Công Sơn. Nhưng hàng chục, hàng trăm nhạc sĩ Việt Nam khác cũng có cái may mắn đó. Tại sao chữ “thiên tài” thường chỉ được gán cho Trịnh? Đơn giản ông là thiên sứ đã chọn mảnh đất này làm nơi trao gửi món quà âm nhạc. Và thiên nhiên, con người và cả lịch sử của nơi đây sẽ được cất tiếng hát theo cách của ông. “Bằng ca khúc, tôi muốn mang đến những quà tặng cho anh em bằng hữu tôi trong cuộc liên hoan trên đất đai xứ sở này.” (Trịnh Công Sơn)
Nói một cách đơn giản, ông có khả năng quan sát và diễn giải đời sống mà không cần phải dự phần rồi rút kinh nghiệm như số đông thường làm. Chính ông đã hát: “Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà/ Chờ xem thế kỷ tàn phai” (Tự tình khúc). Và: “Đời vẽ trong tôi một ngày/ Rồi vẽ thêm đêm thật dài/ Từ đó tôi thề sẽ rong chơi” (Chỉ có ta trong một đời). Có vẻ ông đã chung thủy với hai khía cạnh của “lời thề” này. Thứ nhất, ông đến và đi với tâm thế đứa trẻ. Thứ hai, ông đến để chơi chứ không phải để “làm”.
Hôn nhân được người đời xác định là việc nghiêm túc, không phải trò chơi. Riêng ông “đã đến gần và đi xa” nó là lẽ tất nhiên. Trịnh Công Sơn có xác nhận với Nguyễn Trọng Tạo về đám cưới cuối năm 1964 giữa ông và Thanh Thúy- một vũ nữ đẹp nổi tiếng thời bấy giờ. Đám cưới chỉ có hai người bạn thân của nhạc sĩ là Trịnh Cung và Đinh Cường tham dự và góp tiền mua nhẫn để chú rể tặng cô dâu. Thủ tục xong xuôi, hai người bạn đưa cô dâu chú rể về phòng tân hôn. “Đến cửa phòng thì hai anh quay về. Nhưng đi được một quãng khá xa thì họ chợt nghe tiếng giày lóc cóc đuổi theo sau lưng mình. Hai người ngoảnh lại nhìn, hóa ra người đuổi theo lại chính là chú rể! Sơn vừa thở hổn hển vừa thanh minh: ‘Bỗng dưng ở lại một mình với một người đàn bà trước mặt, mình hoảng quá, không biết làm gì, đành bỏ chạy cho khỏe!’”
Nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, em gái Trịnh Công Sơn lại kể về một đám cưới không thành khác của anh mình với một Việt kiều Pháp. Cho cuộc hôn nhân này, Trịnh Công Sơn đã chuẩn bị… hai căn phòng. Tức là theo ông, vợ chồng ngoài lúc ở chung phải có phòng riêng. Một quan niệm khoa học và nhân văn. Hôn nhân không phải là đánh đổi tự do cá nhân, là phơi bày bản thân đến suốt đời trước dù chỉ một người.
Do không có hôn nhân làm bằng chứng phân biệt, nên mọi người phụ nữ đi qua đời Trịnh Công Sơn dường như đều được đối đãi một cách bình đẳng. Đâm ra cứ ai thân thiết với nhạc sĩ đều được dư luận đưa vào vòng nghi vấn là người tình của ông. Khánh Ly và Hồng Nhung đều từng lên tiếng khẳng định mối quan hệ giữa họ và nhạc sĩ là cái gì đó khác, cao hơn tình cảm yêu đương theo cách hiểu thông thường công chúng vẫn thích thú gán ghép. Trịnh Công Sơn từng nói về Khánh Ly: “Chúng tôi như hai đứa bạn trai” nhưng lại “thương nhau vô cùng, trên tình bạn”, còn Hồng Nhung là “một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai”. Thứ tình cảm siêu phàm với số đông lại là quen thuộc đối với Trịnh Công Sơn. Ông khẳng định có những người em gái yêu thương ông “hơn cả yêu chồng”. Rồi tự lý giải: “Bởi lẽ tôi đã cố gắng mang đến trong cuộc sống ngắn ngủi của mình một tình cảm chân thật và nhân hậu.”
“Tôi cũng không quên được những thói quen của Trịnh Công Sơn khi còn sống,” Khánh Ly kể với báo chí trong lần về nước mới đây. “Anh hay uống rượu tới say rồi mới đi ngủ, thường là vào lúc 5 giờ sáng. Đến khoảng 7 giờ, Trịnh Công Sơn đã thức dậy, tắm rửa rồi ra ngoài phố ngồi. Có lần tôi thắc mắc, anh bảo: ‘Phải nhìn thấy mọi người, một ngày không thấy ai, buồn dễ sợ…’” Thì đó, niềm vui của ông là quan sát, chứng kiến cuộc đời mà.
Còn Hồng Nhung không quên được câu mà Trịnh Công Sơn hay nhắc đi nhắc lại: “Nếu sáng mai ra ngoài ngõ có gặp ai, dù lạ, vẫy tay với mình, thì đừng bao giờ quên vẫy tay lại. Vì ai biết được có thể người sẽ ra đi ngay sau đó không bao giờ còn gặp lại.” Hồng Nhung thậm chí khẳng định còn áp dụng phương châm này vào trong cả cách trình bày nhạc Trịnh. Tức là chị sẽ hát như thể chỉ có lần duy nhất này để hát, vì khán giả có thể sẽ không còn quay lại nghe tiếp?!
Cạnh nhà tôi có một bà cụ 90 tuổi thường hay ra ngõ ngồi. Mọi người đi qua thường chào bà và bà chào lại, có khi chỉ là những nụ cười được trao đổi. Tuổi đó còn nhận ra nhau không cần kính lão đã là một niềm vui. Trịnh Công Sơn nhắc chúng ta thụ hưởng những niềm vui kiểu như thế luôn và ngay. “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.” Một lời nhắc khác của Bùi Giáng. Vâng, họ- những “người thơ ca” (chữ của Văn Cao) đã xuống chơi chung với chúng ta. Và nghệ thuật chính là lời chào không dứt của họ với đời sống này. Cho đến khi nào chúng ta còn vẫy chào lại, bằng cách nghe nhạc đọc thơ của họ.
(*) Trả lời phỏng vấn Lữ Quỳnh- Cửa Sổ Văn Hóa tháng 5/1989