Ngừng xem ‘Sống chung với mẹ chồng’ nếu còn muốn lấy chồng
Ngừng xem ‘Sống chung với mẹ chồng’ nếu còn muốn lấy chồng. Có lẽ nhiều chị em chưa lấy chồng đều lắc đầu nhìn nhau và tự đặt ra câu hỏi: Mình sẽ sống thế nào nếu gặp phải tính huống “hại não” như trong “Sống chung với mẹ chồng”.
Mặc dù chỉ mới chiếu đến tập thứ 3 nhưng Sống chung với mẹ chồng đã khiến khán giả sục sôi chờ đón từng tập. Theo đoàn làm phim thì tác phẩm không xây dựng “cuộc chiến” mẹ chồng nàng dâu nhằm gây ra những suy nghĩ trái chiều của khán giả đối với 2 người phụ nữ. Với Sống chung với mẹ chồng, mối quan hệ này không có “đúng – sai”, không có nhân vật “chính diện hay phản diện”. Bộ phim để cho khán giả tự mình lựa chọn họ sẽ đứng ở vị trí của bà mẹ chồng hay của cô con dâu, từ đó đưa ra cách nhìn và lối sống phù hợp.
Tuy nhiên, khi mới xem đến tập thứ 3, chắc chắn đã có nhiều cô gái lo nghĩ tới việc lấy chồng mình có gặp mẹ chồng như vậy? Và nếu có gặp thì liệu mình có “chống đỡ” được không.
Mẹ chồng khó tính, vô duyên 1 cách vô lý
Có thể thấy, bộ phim được xây dựng với hàng loạt những tình huống “cẩu huyết”, dồn dập từ đầu đến cuối phim khiến người xem lúc nào cũng phải theo dõi căng thẳng. Hễ nhân vật mẹ chồng (NS Hương Bông đảm nhiệm) xuất hiện là “biến cố” lại bắt đầu.
Trên thế gian này, liệu có bà mẹ chồng nào quá quắt như nhân vật trong bộ phim? Ngay từ lúc con gái người ta chưa về làm dâu, bà mẹ chồng này đã một mực bày tỏ quan điểm: “Vợ chỉ là một đứa con gái xa lạ ở đẩu ở đâu về, không lấy đứa này thì lấy đứa khác”. Thậm chí, bà còn tiếc rẻ vài “con cá mất là con cá to” rồi chê lên chê xuống nhân vật Vân (Bảo Thanh đảm nhiệm).
Không chỉ quá quắt, bà mẹ chồng còn có tính gia trưởng “ăn vào máu”. Bà muốn can thiệp vào tất cả công việc trong gia đình, chuyện cưới xin của con. Ngay cả việc chọn nhẫn cưới, bà mẹ cũng không bỏ qua cơ hội để đi theo giám sát như một… bóng ma.
Nếu tất cả những chuyện ấy có thể thông cảm được, thì những khán giả dễ tính nhất cũng tự hỏi liệu nhân vật bà mẹ chồng này có bị cường điệu hóa lên một cách quá đáng hay không khi nửa đêm tân hôn, bà xông vào phòng con trai và cấm con dâu không được “đè lên người” con trai mình. Sự can thiệp này không chỉ dùng từ quá quắt mà nó còn có thể dùng từ “vô duyên” để diễn tả tình huống này.
Nhiều lúc, tự hỏi rằng các thành viên trong gia đình có thể “nuốt trôi” không khi cứ đến bữa cơm – với sự góp mặt của mẹ chồng – thì không ai nuốt nổi? Khi thì mỉa mai khiến con dâu “đứng hình”, lúc thì chọc giận khiến ông chồng – vốn là người “bình thường” nhất trong gia đình cũng phải “nổi cơn tam bành”. Thậm chí, nhiều lúc mẹ chồng còn cho khán giả nhiều phen thót tim khi cứ thi thoảng “dỗi” và tần suất ngày càng dày đặc.
Vẫn biết, mẹ nào cũng thương cũng xót con. Nhưng với bà mẹ trong Sống chung với mẹ chồng thì chắc hẳn sẽ nằm trong top những bà mẹ bao bọc con trai mình nhất. Phân cảnh bà mẹ lao vội từ cầu thang xuống khi thấy con trai rửa bát – con dâu ngồi ăn có lẽ là cảnh ám ảnh nhiều chị em phụ nữ nhất.
Sống chung với mẹ chồng đã đẩy cao trào bằng một loạt những tình huống vô lý, khiến khán giả vừa hồi hộp theo dõi, vừa ức chế trước những cách cư xử tưởng chừng như không có thật ở ngoài đời. Liệu có bà mẹ chồng nào dây thần kinh đủ vững khi liên tiếp sống trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” với con dâu và mọi người xung quanh như vậy?
Dường như, mọi lúc mọi nơi bà mẹ chồng đều có thể thốt ra những lời mỉa mai con dâu, từ việc nhỏ cho tới việc lớn. Dù là lần đầu đóng vai phản diện, nhưng nghệ sĩ Lan Hương đã thể hiện xuất sắc vai diễn của mình khiến khán giả “bó tay” trước mẹ chồng khó tính, cổ hủ, khắt khe đến vậy!
Nàng con dâu thái độ “lồi lõm” nhất màn ảnh nhỏ
Tuy nhiên, những tình huống vô lý khiến khán gỉa tức tối không chỉ do bà mẹ chồng mà còn ở nàng con dâu đỏng đảnh thường xuyên bày tỏ thái độ “lồi lõm” chẳng kiêng kể ai. Rõ ràng, càng ngày Vân càng bộc lộ thái độ cũng trời ơi đất hỡi và không chịu kém cạnh. Là con dâu mới, nhưng sáng dậy cũng chẳng thèm chuẩn bị đồ ăn sáng cùng mẹ chồng. Đồ đạc trong bếp chẳng biết cái gì để đâu dù đã về được một thời gian. Nhưng Vân chắc hẳn nghĩ những chuyện ấy là bình thường. Cô còn đang bận tâm soi xét từng lời từng chữ mà mẹ chồng thốt ra.
Điều khó hiểu hơn hết là Vân trở nên nhạy cảm một cách quá mức khi thường xuyên “đứng hình” ở bất cứ câu nói nào của mẹ chồng. Cô vô tư bày tỏ cảm xúc, tròn mắt nhìn lại mẹ chồng mà chẳng cần kiêng nể.
Thậm chí, trong tình huống mẹ chồng tương lai theo như “bóng ma” khi vợ chồng Vân đi chọn nhẫn, lúc mẹ chồng về Vân còn chẳng thèm ngoái lại nhìn hay chào mẹ. Ngay trong bữa ăn cả gia đình, cô cũng hồn nhiên ra ngoài nghe điện thoại của bạn, của bố mẹ mà chẳng cần biết có ai đang chờ mình. Liệu có nàng con dâu nào “to gan” được như Vân khi sẵn sàng “chiến đấu” với mẹ chồng ngay từ giây phút đầu tiên như vậy?
Cậu con trai tưởng là nút mở nhưng lại chính là nút thắt
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua nhân vật gây ức chế không kém cho người xem là cậu con trai Thanh. Có thể nói, Thanh là cầu nối làm dịu mối quan hệ giữa Vân và mẹ nhưng rõ ràng, những mối mâu thuẫn của mẹ chồng – nàng dâu lại đều bắt đầu từ những lời nói ngô nghê, vô duyên của Thanh.
Ngay khi Vân chưa về làm dâu, Thanh đã thẳng thừng quay lưng với mẹ và tuyên bố rằng mẹ đừng làm thế, Vân không thích khi mẹ mua ga trải giường cho hai vợ chồng. Ga trải giường đâu chỉ có thể mua một bộ. Nếu không thích bộ này, vợ chồng Thanh – Vân hoàn toàn có thể mua thêm 1-2 thậm chí là 3 bộ nữa cất trong tủ để thay dần.
Sự thiếu tinh tế, không khéo léo nhưng lại vô tư của Thanh khiến nhiều người phải thở dài: Nhiệt tình cộng ngu ngốc sẽ thành phá hoại! Quả thực, Thanh càng muốn hàn gắn thì anh lại càng khiến mối quan hệ giữa vợ và mẹ rối beng lên! Nhiều người nghĩ rằng Thanh là nút mở cho mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trong bộ phim. Nhưng ngờ đâu, anh chàng này lại chính là nút thắt!
Muốn lấy chồng? Đừng xem “Sống chung với mẹ chồng”!
Trên trang Fanpage chính thức của bộ phim sau mỗi tập đều có hàng nghìn comment về nội dung phim. Người đã có gia đình thì chẹp miệng nếu tìm thấy một góc của bản thân trong đó hay hớn hở khoe mình may mắn thế nào khi không bị sống trong hoàn cảnh như vậy. Còn lại, phần lớn những chị em chưa lấy chồng đều lắc đầu nhìn nhau và tự đặt ra câu hỏi: Mình sẽ sống thế nào nếu gặp phải tính huống “hại não” như trong phim.