Mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt, ngân sách vẫn cao ?
Hôm nay ngày 15/5 phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Theo kết quả thu ngân sách 2016 tăng gần 90.000 tỷ đồng, vượt 62.000 tỷ so với con số báo cáo Quốc hội. Điều này gây không ít băn khoăn vì tăng trưởng rõ ràng không đạt mục tiêu mà số thu lại tăng. UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, điều này cho thấy số tăng thu ngân sách chưa thực sự xuất phát từ năng lực nội tại của nền kinh tế.
Trong phiên họp, báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện so với Quý I. Kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tín dụng tăng cao; lãi suất ngân hàng được giữ ổn định.
Sự tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu tăng nhẹ so với Quý 1/2017; dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực; du lịch có khởi động tốt cho những tháng cao điểm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá cao; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.
Trong phiên làm việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách 2016
Hiện nay,ở nước ta tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9%, tuy cao hơn so với số báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 (ước tăng khoảng 6-7%) nhưng vẫn thấp hơn theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng khoảng 10%). Nguyên nhân được nhận định do khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp, phụ thuộc vào FDI, xuất khẩu chưa tận dụng được các cơ hội mở cửa thị trường từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực.
Trong năm 2016 đã có 56 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, được đánh giá là rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp được cổ phần hóa mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015. Ủy ban Kinh tế cho rằng cần thực hiện quyết liệt hơn nữa Đề án tái cơ cấu DNNN để sớm giải phóng nguồn lực của DNNN, nâng cao thực chất quản trị doanh nghiệp thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Ví dụ điển hình là bài học từ sự cố môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài, đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm. Tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thiên tai khó lường đã gây thiệt hại nặng nề về người và sản xuất nông, lâm, thủy sản với mức thiệt hại ước tính trong năm 2016 lên đến 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) – đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Nhiều ý kiến đề nghị cần có đánh giá kỹ, toàn diện để chủ động có giải pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các giải pháp về nguồn lực.
Năng suất lao động xã hội năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương 3.853 USD/lao động) tăng 5,3% so với năm 2015 cho thấy tiếp tục có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là do chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ cao (41,9%) là khu vực có năng suất lao động thấp.