Mở trường tràn lan hậu quả 200 nghìn cử nhân thất nghiệp
Tại phiên thảo luận về Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) chiều 12/6, Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu thực tế thời gian vừa qua xảy ra tình trạng tăng nhanh các trường đại học về số lượng không theo quy hoạch, trái với quyết định của Chính phủ ban hành năm 2013 về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020.
Theo quy định đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học, cao đẳng, trong đó gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng, nhưng Vụ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm học vừa qua cả nước hiện có 235 trường đại học và học viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh.
Về quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng được xác định trên cơ sở bảo đảm các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng chất lượng như số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phòng học, phòng thí nghiệm… theo mục tiêu ban đầu đến năm 2020 đạt 2,2 triệu sinh viên.
Cử nhân mới ra trường hoặc đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng lại chưa có việc làm, thậm chí là thạc sĩ cũng chấp nhận làm trái ngành được đào tạo. Sự dư thừa về lao động có trình độ dẫn đến tình trạng hơn 100.000 cử nhân đang làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp đang là thực tế của thị trường lao động hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo yếu kém
Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, những năm, qua đào tạo đại học tăng khá mạnh về quy mô, số lượng dẫn đến chất lượng còn nhiều bất cập, dư luận xã hội phê phán nhiều. Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo – chuyên viên cao cấp, chủ tịch hội đồng khoa học phát biểu trong hội nghị cán bộ của một số trường đại học thì “Giáo dục Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng, như mở ồ ạt các trường Đại học, Cao đẳng. Tình trạng thương mại hóa giáo dục; quá downdload trong học sinh các cấp học, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Đào tạo dàn trải, thừa thầy thiếu thợ, không đáp ứng nhu cầu công việc trong thực tiễn sản xuất
Coi nhẹ chất lượng, chạy theo số lượng
Theo PGS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tình trạng sa sút của giáo dục đại học có một phần trách nhiệm rất lớn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đại học, đặc biệt các trường công lập.
Các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng. Trong cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường đại học chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. Hệ quả là một số trường công đua nhau tuyển giảng viên để tăng số lượng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà coi nhẹ chất lượng giảng dạy, để từ đó có điều kiện tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội và chất lượng đào tạo, dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng cao.
50% sinh viên học đối phó và lười học
Cũng theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, trong nhiều năm qua, số lượng sinh viên đại học chính quy của các trường đại học tăng mạnh, trong khi số lượng giảng viên tăng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Có một số giảng viên còn hạn chế về kỹ năng thực tiễn và lĩnh vực học thuật chuyên môn, cũng do nhiều nguyên nhân như khâu tuyển chọn ban đầu chưa kỹ, quá trình đào tạo, sàng lọc ở cấp bộ môn chưa thực sự nghiêm túc.
Về thực trạng của sinh viên hiện nay kỹ năng mềm còn hạn chế, kiến thức cơ bản chưa vững. Do vậy chất lượng của sinh viên có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên tích cực, chăm chỉ trong học tập và có thái độ nghiêm túc; Nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường; Nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học đối phó và lười học.