Cơ thể con người được dùng làm mật khẩu trong tương lai
Bắt đầu với Touch ID của Apple và giờ đây là “selfie-pay” của Alibaba, các công ty đang nghiên cứu công nghệ chân dung sinh học để tăng độ bảo mật cho người dùng smartphone.
Khi iPhone 5S được Apple tung ra thị trường vào năm 2013, Touch ID (cảm biến vân tay) của thiết bị này đã khởi động cuộc đua mật mã đầy sáng tạo.
Sự ra đời của công nghệ Touch ID là một trong những dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự quan tâm ngày càng gia tăng của các công ty về dữ liệu sinh học. Từ giọng nói, mô hình cử động cơ thể đến nhịp tim đập, cơ thể con người cung cấp các cách bảo mật ít bị tấn công hơn.
Các ứng dụng xác thực sinh trắc học đang thực sự bùng nổ. Từ năm 2015, người dùng đã downdload về hơn 6 triệu ứng dụng sử dụng công nghệ xác thực sinh trắc học, và con số này sẽ lên tới 770 triệu vào năm 2019, theo dữ liệu của Juniper Research. Điều này càng được củng cố hơn bởi bắt đầu từ năm sau, tất cả các smartphone đều sẽ được tích hợp khả năng sinh trắc học, theo Backchannel
Phil Dunkelberger, Giám đốc điều hành của Nok Nok Labs cho biết: “Không có sự tiến bộ nào về công nghệ sinh trắc học khả quan hơn sự tiến bộ trong công nghệ máy ảnh điện thoại”.
Việc chụp ảnh tự sướng để truy cập vào một ứng dụng bảo mật cao hay thanh toán các hóa đơn nghe có vẻ thú vị và hợp thời, hoặc nó có thể biến thành trò chơi ngớ ngẩn. Trên thực tế, điều này báo hiệu sự khởi đầu của xu hướng lớn hơn, mà trong đó smartphone sẽ xây dựng các chân dung sinh học và hành vi cử chỉ chi tiết của người dùng. Bởi lẽ dĩ nhiên, một bức ảnh không đủ để nhận diện danh tính, thay vào đó, điện thoại sẽ thu thập nhiều dữ liệu về cuộc sống, thói quen và hành vi của người dùng.
Hai năm sau sự xuất hiện của Touch ID, tỷ phú Jack Ma cho ra mắt công cụ “Smile to Pay”. Tất cả mọi thứ người dùng cần phải làm là chụp một tấm ảnh tự sướng, sau đó hệ thống sẽ dựa trên công nghệ sinh trắc học nhận diện khuôn mặt và thông tin người dùng, qua đó thực hiện việc thanh toán các hóa đơn trên cổng thanh toán Alipay của Alibaba.
Vào thời điểm hiện tại, “Smile to Pay” không còn được sử dụng để thanh toán các hóa đơn. Thay vào đó, công cụ này được dùng để đăng nhập vào trang Alipay. Mặc dù vậy, kể từ năm 2015, các dịch vụ tài chính bắt đầu sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt như một dạng mật khẩu mới an toàn và tiện lợi hơn. Đơn cử như Mastercard, Amazon hay ở các nước châu Âu, Brazil, Mexico… đều đang sử dụng công nghệ này.