Hai PGS ĐH Khoa học Tự nhiên HCM bị tố không đủ tiêu chuẩn của Bộ giáo dục
Thông tin giáo dục: Ông Huỳnh Trúc Phương và Trần Thiện Thanh được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Vật lý năm 2017. Hai ông bị tố cáo không đủ tiêu chuẩn, vi phạm quy chế đào tạo tiến sĩ.
Ông Phạm Thế Dân, nguyên cán bộ giảng dạy của ĐH Sư phạm TP.HCM, đã gửi đơn đến ông Phùng Xuân Nhạ – Bộ Trưởng GD&ĐT, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước – tố cáo việc công nhận chức danh phó giáo sư (PGS) cho ông Huỳnh Trúc Phương và Trần Thiện Thanh.
Hai PGS bị tố đều là tiến sĩ, cán bộ giảng dạy tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Bị tố vi phạm quy chế đào tạo tiến sĩ
Theo người tố cáo, ông Huỳnh Trúc Phương vi phạm khoản 2 điều 35 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ giáo dục khi tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ (làm phản biện 3) cho các nghiên cứu sinh Trần Thiện Thanh (năm 2013) và Hoàng Đức Tâm (năm 2015). Hai nghiên cứu sinh này “sinh hoạt cùng đơn vị chuyên môn”.
Cụ thể, để việc đánh giá các luận án tiến sĩ đúng với thực chất, tránh tiêu cực, Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM (tại khoản 2 điều 35), cũng như Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT quy định “phản biện phải là người không sinh hoạt trong cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh”.
“Đơn vị chuyên môn” ở đây chính là “bộ môn hoặc khoa, phòng chuyên môn trực tiếp đào tạo nghiên cứu sinh”, theo điểm c, khoản 1, điều 4 Quy chế Đào tạo trình độ tiến sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM, trên cơ sở điều luật mà bộ giáo dục đưa ra.
Quy định về đơn vị chuyên môn của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng phù hợp cách hiểu về đơn vị chuyên môn do Bộ GD&ĐT quy định tại Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT (điểm b, khoản 1, điều 4).
Người tố cáo cho rằng dù “sinh hoạt cùng đơn vị chuyên môn” là bộ môn Vật lý hạt nhân – Kỹ thuật hạt nhân, khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông Huỳnh Trúc Phương vẫn làm phản biện 3 luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Trần Thiện Thanh là trái với quy định.
Tương tự, ông Phương với tư cách phó trưởng khoa, đồng thời là giảng viên chính bộ môn Vật lý hạt nhân – Kỹ thuật hạt nhân, nơi ông Hoàng Đức Tâm học tiến sĩ, nhưng làm phản biện 3 cho luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Hoàng Đức Tâm. Điều này không đúng quy định tại khoản 1 điều 27 Quy chế Đào tạo tiến sĩ, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ông Dân cho rằng PGS Huỳnh Trúc Phương đã vi phạm Quy chế đào tạo tiến sĩ, vi phạm Quy định về đạo đức nhà giáo, không tuân thủ Luật viên chức nên không đáp ứng được tiêu chuẩn công nhận chức danh phó giáo sư.
Ông Dân cũng cho rằng bằng tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh là không hợp pháp, trái với quy định của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Chủ tịch hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo là PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm không cùng chuyên ngành với luận án tiến sĩ của ông Thanh. Ông Lâm là phó giáo sư chuyên ngành Điện tử (được công nhận năm 2001), không đúng chuyên ngành với luận án của ông Trần Thiện Thanh là Vật lý nguyên tử và hạt nhân. Nó trái với quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM và quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT.
Ông Phạm Thế Dân tố hội đồng chấm luận án được thành lập trái quy định nên bằng tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh là bất hợp pháp. Do đó, ông Thanh không đảm bảo được điều kiện cơ bản để công nhận chức danh PGS.
ĐH Quốc gia TP.HCM kết luận tố cáo đúng
Theo tìm hiểu của tintuctrongngay.com.vn ngày 27/2/2018, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM có quyết định số 1875/KL – ĐHQG kết luận về nội dung tố cáo của ông Phạm Thế Dân.
Tổ xác minh của ĐH Quốc gia TP.HCM kết luận nội dung tố cáo đúng, người làm phản biện 3 sinh hoạt cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh là chưa phù hợp quy định hiện hành.
Tuy nhiên, kết quả xác minh cho biết PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội đồng chấm luận án tiến sĩ (?).
ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên tiến hành xử lý hành vi sai phạm tương ứng của những cá nhân liên quan.
Ngày 26/2, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có văn bản giải trình với Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước về nội dung tố cáo ông Huỳnh Trúc phương vi phạm quy định pháp luật khi tham gia làm phản biện 3 trong hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo.
Trái với kết luận của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên giải trình rằng ông Huỳnh Trúc Phương đã thực hiện đúng trách nhiệm được giao, không có cơ sở kết luận ông Phương vi phạm quy định pháp luật hiện hành.
ĐH Khoa học Tự nhiên lý giải cách tổ chức hoạt động nghiên cứu chuyên môn tại trường được chia thành: Bộ môn – nhóm nghiên cứu và phòng thí nghiệm – nhóm nghiên cứu. Bộ môn Vật lý hạt nhân thuộc khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật được chia thành 3 nhóm nghiên cứu chuyên môn.
Theo sự phân chia này, ông Huỳnh Trúc Phương, Hoàng Đức Tâm và Trần Thiện Thanh thuộc các nhóm nghiên cứu khác nhau nên không được xem là cùng sinh hoạt trong một đơn vị chuyên môn.
Tuy nhiên, theo điểm c, khoản 1 điều 4 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm b, khoản 1, điều 4 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, đơn vị chuyên môn được hiểu là bộ môn hoặc khoa, phòng chuyên môn. Do đó, nhóm nghiên cứu không được xem như đơn vị chuyên môn.
Xử lý khiếu nại ‘thần tốc’ trong ngày
Ngày 26/2, ông Phạm Thế Dân gửi đơn thư tố cáo vi phạm của PGS Huỳnh Trúc Phương lên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Ngày 26/2, ông Dân nhận được văn bản trả lời về đơn thư tố cáo của ông dựa trên kết luận của Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Vật lý.
Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Vật lý kết luận nội dung tố cáo của ông Phạm Thế Dân đối với ông Huỳnh Trúc Phương và Trần Thiện Thanh chỉ liên quan trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học.